Các trường đại học và cao đẳng quốc tế tại Việt Nam

24 Tháng Mười, 2017
Trong mục Di trú

giáo sư Nguyễn Xuân Thu

Theo Luật Giáo dục Đại học 2012 (số 08/2012/QH13, ngày 18/06/2012) thì hệ thống giáo dục đại học và cao đẳng Việt Nam có ba loại trường: (1) các trường đại học và cao đẳng công lập (trên 400 trường, cả nước có trên 500 trường, khoảng 1/3 do bộ GDĐT quản lý, số còn lại do các bộ khác và các cơ quan quản lý), (2) các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập hoặc tư thục (khoảng 100 trường), và (3) các trường đại học và cao đẳng quốc tế.

Bài này tập trung trình bày tổng quát các trường đại học và cao đẳng quốc tế tại Việt Nam. Loại này gồm có ba tiểu loại:

3.1 Các trường đại học và cao đẳng quốc tế có vốn đầu tư nước ngoài 100% (100 per cent foreign owned university).  Hiện nay tiểu loại này có ba trường: Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, (RMIT International University Vietnam) được thành lập năm 2000, có cơ sở chính tại Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Anh Quốc – Việt Nam (BUV), được thành lập năm 2009, có cơ sở chính trong Ecopark ở Hưng Yên, và Đại học Fulbright Việt Nam, được thành lập năm 2016, có cơ sở tại Khu Công nghệ cao TP HCM, theo mộ hình khai phóng của Mỹ, hoạt động không vì lợi nhuận, chính thức khai giảng năm 2017.

3.2 Các trường đại học và cao đẳng quốc tế liên doanh (joint venture with international universities). Tiểu loại này gồm có hai trường: Trường Đại học Việt-Đức (VGU), được thành lập năm 2008, giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Liên bang Đức, có cơ sở chính ở Bình Dương, và trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), có cơ sở chính ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, được thành lập năm 2009 theo Hiệp định được ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp. Quản lý trường đại học liên doanh này là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST). Phía Pháp có 60 trường đại học đối tác chiến lược.

Trường Đại học Việt-Nhật, được thành lập tại Quyết định số 1186/QĐ-TTg ngày 21/7/2014, là một trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội (không phải thuộc loại trường đại học quốc tế). Vốn thành lập trường Đại Học Việt-Nhật được lấy từ Quỹ Phát triển Chính thức (ODA) Nhật Bản. Trường Đại học này hiện đang cấp tốc xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và sẽ chính thức khai giảng lớp Thạc sĩ đầu tiên trong năm 2016.

Theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ số 292/TB-VPCP ngày 27/08/2015, “giai đoạn những năm sắp tới…, không tiếp tục mở rộng thành lập mới thêm trường đại học xuất sắc theo hình thức hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài.” Xem http://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N18323/(Chinhphu.vn)-Ngung-thanh-lap-moi-cac-truong-dai-hoc-lien-ket-voi-nuoc-ngoai.htm

3.3 Các chương trình liên kết đào tạo (joint training programs) giữa một trường đại học hay cao đẳng trong nước với một hoặc nhiều trường đại học, cao đẳng ở các nước ngoài.

Theo thống kê đến 10/06/2015, tại Việt Nam có 82 trường đại học và cao đẳng trong nước (trong số trên 500 trường cả nước) có chương trình liên kết đào tạo với 273 đơn vị trường đại học trên thế giới. Trong đó có một trường đại học ký liên kết đào tạo với 19 trường đại học khác nhau trên thế giới (nhiều nhất), 2 trường mỗi trường ký với 17 trường trên thế giới, 8 trường có chương trình liên kết đào tạo từ 9 đến 15 trường trên thế giới. Có khoảng 30 trường mỗi trường ký với từ 2 đến 7 trường nước ngoài. Số còn lại khoảng 40 trường (trong số 82 trường) mỗi trường ký với từ 2 đến 7 trường. Có 35 trường trong nước mỗi trường chỉ ký với một trường ở nước ngoài.

http://www.vied.vn/vi/giao-duc-quoc-te/cac-chuong-trinh-lien-ket-dao-tao.html

Chưa thấy có đánh giá chính thức về kết quả hoạt động của các chương trình liên kết đào tạo này trong đó có những chương trình bắt đầu sớm nhất từ 2002 và những chương trình mới mở từ tháng 1/2015.

Nguyễn Xuân Thu (Australia, 5/2016)