Một số suy nghĩ về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục

21 Tháng Chín, 2017
Trong mục Di trú

Sau một thời gian chính phủ Việt Nam ban hành các văn bản về Kiểm định Chất lượng Giáo dục và sau một thời gian ngắn những văn bản này đi vào cuộc sống, qua một số thông tin có được, tôi nhận thấy có một sự khác biệt khá xa giữa Việt Nam và các nước phát triển phương Tây về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. Trong bài này tôi xin đưa ra một số sự khác biệt chính và qua đó chúng ta có thể thấy rõ hơn tầm quan trọng của kiểm định chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đào tạo con người cho sự phát triển của đất nước.
1. Mỗi nước có một chính sách kiểm định chất lượng giáo dục khác nhau. Ví dụ, chính sách kiểm định chất lượng giáo dục mang tính bắt buộc như ở Việt Nam, Úc, Anh… nhưng lại không bắt buộc tại Mỹ. Các trường không phải tham gia các tổ chức kiểm định chất lượng được chính phủ thành lập tại 6 vùng trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Số lượng các trung tâm kiểm định cũng khác nhau tùy mỗi nước. Tại Mỹ có 6 tổ chức kiểm định chất lượng, Canada mỗi tỉnh có một tổ chức riêng. Úc chỉ có một tổ chức kiểm định chất lượng cho cả nước gọi là TEQSA. Việt Nam hiện nay có ít nhất là 6 cơ quan khác nhau được phép hoạt động trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục.
2. Cơ quan phụ trách kiểm định chất lượng giáo dục ở Mỹ, Canada, Úc, New Zealand và tại nhiều nước phát triển phương Tây khác hoạt động dựa trên Luật trong lúc ấy tại Việt Nam dựa trên Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Luật cao hơn Quyết định do đó hoạt động của các trung tâm kiểm định chất lượng dựa trên Luật thường có sức mạnh pháp lý cao hơn và được toàn xã hội tin tưởng. Sau một thời gian hoạt động chúng ta sẽ thấy các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục phải được dựa trên luật.
3. Kiểm định chất lượng giáo dục tại các nước có mục đích chính là xây dựng một hệ thống giáo dục có chất lượng cao nhằm sản xuất ra được những lực lượng lao động có phẩm chất và kỹ năng cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tại Úc, giáo dục trong giai đoạn phổ cập (từ Mẫu giáo đến hết lớp 10) không nằm trong phạm vi của kiểm định chất lượng. Giáo dục từ lớp 11 trở lên mới bắt buộc phải kiểm định chất lượng. Giáo dục trong giai đoạn phổ cập có mục đích phát triển đạo đức, trí thức và thể chất của học sinh. Do đó các hoạt động của kiểm định chất lượng giáo dục chỉ dành cho từ lớp 10 của trung học phổ thông trở lên.
4. Tại các nước như Úc, Anh, Canada… tất cả các môn học và các chương trình giáo dục đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng đều phải được kiểm định chất lượng, dù là giảng dạy trên lớp hay bằng trực tuyến, chính quy hay tại chức, kể cả các chương trình giảng dạy tại nước ngoài. Cá nhân người viết bài này chưa rõ các phạm vi của kiểm định chất lượng tại Việt Nam, ví dụ có những chương trình đào tạo nào trong trường không qua kiểm định không. Một ngôi trường đại học không thể nào được đánh giá cao khi trường đó còn có một vài mảng chưa đi vào nề nếp, ví dụ như các lớp học tại chức.
5. Về nội dung của kiểm định chất lượng giáo dục, Úc có TEQSA, là một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng có nhiệm vụ chính là xây dựng các tiêu chí tối thiểu để giúp các trường đại học và cao đẳng dựa vào đó mà (1) soạn thảo các chương trình giáo dục đào tạo trong mỗi trường, (2) tổ chức giảng dạy, học tập và trắc nghiệm/thi cử cho các môn học/ngành học, (3) quản lý có chất lượng mọi hoạt động phi đào tạo của trường như nhân sự, kế toán, tài chính, kế hoạch, mua sắm…, (4) mở chương trình đào tạo mới và tái kiểm định các chương trình sau mỗi 5 năm, (5) đưa ra những tấm gương điển hình để các trường học tập kinh nghiệm (không phải lúc nào các trường lớn cũng là tấm gương điển hình), (6) cung cấp các thông tin và tiêu chí học tập cho sinh viên quốc tế, ví dụ ở Úc đó là nhiệm vụ có ghi rõ trong Luật về Khung Trình độ Quốc gia Úc (AQF Act) và Luật CRICOS (mỗi trường đại học phải đăng ký với chính phủ liên bang về trường học và các ngành học cho sinh viên quốc tế).
6. Điều cấm kỵ là không ai được phép dựa trên kết quả của kiểm định chất lượng: (1) để phân tầng các trường đại học thành đại học quốc gia, đại học vùng, đại học địa phương như ở Việt Nam (không ai muốn tạo giai cấp trong các trường đại học, không làm tăng tốc độ đô thị hóa), (2) để phân bố ngân sách (các trường lớn càng mạnh hơn, tạo thêm bất công trong xã hội, tiêu diệt các trường đại học nhỏ thay vì phải có chính sách giúp các trường đại học nhỏ vươn lên), (3) để ưu tiên cấp các dự án (nên có hai loại dự án: a) dự án nhằm phát triển khoa học và công nghệ, và b) dự án phát triển kinh tế xã hội hay xóa đói giảm nghèo), và (4) nhằm quyết định việc đầu tư ngân sách cho các trường. Tại các nước, các chính sách công bằng xã hội và các chính sách ưu tiên cho các vùng sâu, vùng xa là mối quan tâm lớn của các nhà lãnh đạo giáo dục. Tóm lại là không được sử dụng kết quả của kiểm định chất lượng như quyển sổ Hộ khẩu ngày xưa.
7. Phương pháp làm việc của tổ chức kiểm định chất lượng tuyệt đối không phải là thanh tra, cấp trên cấp dưới, mà là những đồng nghiệp giúp nhau nâng cao chất lượng giáo dục, để điều chỉnh các hoạt động quản lý, đào tạo trong mỗi trường theo đúng luật pháp và nhờ thế mà nâng chất lượng lên. Nếu ở một hoạt động nào đó trong trường không đạt tiêu chuẩn, nhà trường và nhóm kiểm định cùng thỏa thuận một khung thời gian hợp lý để điều chỉnh. Sau thời gian đó nếu những sai sót không được cải thiện, các biện pháp hành chính lúc ấy mới được áp dụng.
8. Các trường đại học ở nước ngoài dù công lập hay tư thục đều được đối xử bình đẳng như nhau. Các trường chỉ khác nhau về số lượng sinh viên, về chất lượng quản lý và đào tạo, về ngành nghề đào tạo, về loại trường (giảng dạy hay nghiên cứu, hay có cả hai). Nhiệm vụ của chính phủ là cấp ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục để các trường đào tạo nhân lực cho sự phát triển ổn định của đất nước. Không để cho một số vùng sâu, vùng xa tiếp tục hoang hóa. Đất nước khó có thể phát triển được nếu trình độ dân trí quá chênh lệch.
9. Tại các nước, theo luật, cơ quan kiểm định chất lượng là một tổ chức độc lập, có nhiệm vụ xây dựng các tiêu chuẩn (standards) và chất lượng (quality) giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước. Tổ chức này hoạt động theo luật chất lượng, được thành lập qua một quy trình tư vấn rộng rãi và công khai. Chủ tịch và các thành viên là những người có kiến thức và kinh nghiệm sâu trong giáo dục, rất được xã hội trọng nễ. Để tránh lợi ích nhóm, tổ chức này không nằm trong bất cứ một trường đại học hay hiệp hội giáo dục nào.

Nguyễn Xuân Thu


1 Điều 17 của Luật Giáo dục 2005 của Việt Nam và Luật Giáo dục Đại học 2012. Quyết định 5570/QĐ-BGDĐT 22/11/2013 về Tổ chức Kiểm định Chất lượng Giáo dục.

2 Luật của Úc năm 2011 về Tổ chức Chất lượng và Tiêu chuẩn Giáo dục Đại học và Cao đẳng (Tertiary Education Quality and Standards Agent = TEQSA Act).

3 Úc có ba bộ Luật rất quan trọng liên quan đến phát triển giáo dục: Luật về Khung trình độ Quốc gia Úc AQF Act, Luật Kiểm định chất lượng TEQSA và Luật về Đăng ký với Chính phủ Liên bang các Cơ sở giáo dục và các Chương trình đào tạo cho Sinh viên Quốc tế (The Commonwealth Register of Institutions and Courses for Overseas Students – CRICOS Act).