
Ông Quách là người tị nạn đến Úc sau chiến tranh Việt Nam
Ông Micheal Quách là người tị nạn đến Úc từ Việt Nam. Hiện tại ông là một trong những nông gia thành công nhất ở Bắc Úc.
Vào mùa thu hoạch, công việc bắt đầu từ lúc trước khi mặt trời mọc cho tới sau khi mặt trời lặn, nhưng ông Quách không có gì để phàn nàn, ông ấy tranh thủ nghỉ ngơi vài giờ khi có thể và làm việc cật lực để cung cấp những nông sản tươi mới từ nông trại tại Lake Bennet của ông cho những siêu thị tại vùng đất cực bắc nước Úc này.
Người đàn ông 45 tuổi này là nông gia trồng theo phương pháp thủy canh lớn nhất tại Bắc Úc, điều hành một nông trại rộng 16 héc ta nhà kiếng trồng cà chua và dưa leo.
Nhưng ông Quách đã phải vượt qua những trở ngại khó khăn, đó là điều bạn có thể nhận thấy khi lần đầu gặp nông gia lạc quan yêu đời này.

Ông Quách là chủ nông trại trồng theo phương pháp thủy canh lớn nhất Băc Úc (Landline: Owain Stia-James)
Ông Quách đến Úc vào thập niên 1980 cùng với khoảng 80000 người tị nạn Việt Nam trong thập niên sau chiến tranh Việt Nam.
Lúc ấy ông chỉ là một cậu bé, ông nhớ về nỗi sợ hãi của mình và cảm nhận được nỗi đau buồn trong đôi mắt của ba mẹ ông ấy.
Ông nói: “Ba mẹ ông đã quyết định trốn khỏi Việt Nam để tìm kiếm một tương lai tốt hơn cho gia đình”.
Cả gia đình ông biết rằng nếu còn ở lại Việt Nam, họ có thể chết nhưng để tồn tại tại Úc cũng không dễ dàng gì với gánh nặng là ba đứa con nhỏ.
Gia đình ông đến Úc năm 1985 sau khi vượt biên bằng tàu đến Mã Lai và ở trại tị nạn khoảng 16 tháng.
“Mẹ tôi khóc mỗi đêm và cầu nguyện gia đình chúng tôi có thể đến được một đất nước tốt hơn và tạo dựng được một cuộc sống mới tốt hơn”

80,000 người tị nạn đến Úc vào thập niên sau chiến tranh Việt Nam (Supplied: Michael Quach)
Ông Quách nhớ lại cha ông đã làm việc cật lực để tạo dựng một tương lai mới tốt đẹp cho cả gia đình.
“Tôi nhớ rằng ba tôi đã nói đời ba coi như hết, tất cả những gì ông ấy muốn là làm mọi thứ cho các con”
Ông Quách thừa hưởng tất cả tinh thần làm việc của cha ông, và đã trở thành một trong những nông gia lớn nhất lãnh thổ Bắc Úc.
Ông nói: “Tôi chỉ xây lên thêm một khu đất trồng nhỏ và bỏ vào một ít công sức và cuối cùng lại có kết quả tốt, rồi những khu đất này trở nên lớn hơn dù tôi nghĩ rằng mình chỉ làm việc này vài năm thôi”.
Sau đó một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất Úc tiếp cận ông.
“Rồi từ đó, mọi thứ càng lúc càng to lớn hơn, chuỗi siêu thị muốn ông trồng nhiều hơn và nhiều hơn nữa”.

Người Việt tị nạn chiếm một phần lớn trong cộng đồng nông gia trong vùng (Landline: Owain Stia-James)
Những nông gia người Việt là một thành phần quan trọng của nền kinh tế Úc
Đây không phải là một câu chuyện lạ tại vùng đất cực bắc này, ở đây có cả một cộng đồng nông gia gốc người Việt tị nạn.
Chỉ với rất ít kỹ năng và tiền bạc, nhiều ngườ thành lập những nông hội, chia sẻ máy móc và nhân công.
Họ hiện tại đóng góp vào nền kinh tế của Bắc Úc khoảng 40 triệu Úc kim trong lãnh vực nông nghiệp.
Greg Thompson từ hiệp hội Nông Gia Bắc Úc, người đã làm việc ở đây nhiều thập niên nhìn thấy sự phát triển này với sự kinh ngạc.
“Họ đã trở thành một thành phần quan trọng của nền kinh tế và cộng đồng tại Bắc Úc và cung cấp những việc làm và cơ hội làm ăn, chúng tôi muốn đóng góp này được ghi nhận.”

Nông sản từ Bắc Úc lấp đầy những khoảng trống trong thị trường nội địa (Landline: Owain Stia-James)
Những nông sản từ Bắc Úc góp phần vào việc lấp đầy khoảng trống cho thị trường nội địa nhờ vào mùa thu hoạch trái ngược với thị trường chính ở phía nam nước Úc.
Điều này có nghĩa là những nông gia ở Bắc Úc có thể bán nông sản giá cao và giúp cho siêu thị có nguồn cung đều đặn.
Ông Quách rất biết ơn ba mẹ ông đã chấp nhận hiểm nguy để đến được nước Úc.
“Trong những đêm khi tôi cảm thấy nhớ ba mẹ, tôi luôn muốn nói là: Ba và mẹ ơi, những gì ba mẹ đã làm cho con, con không bao giờ nghĩ là con sẽ được như vậy ngày hôm nay”.
Nguồn: Kristy O’Brien
abc.net.au