Những vấn đề liên quan đến giáo dục-đào tạo đang tranh luận tại Việt Nam

22 Tháng Mười, 2017
Trong mục Di trú

Vài hôm nay  tôi mới có dịp vào đọc được ba bài trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Bài 1 “Bỏ bộ chủ quản, đại học sẽ ra sao?” đăng ngày 07/06/2016 do Huy Lân tóm lược, bài 2 “Giáo dục sinh ra để làm gì?” ra mắt ngày 16/06/2016 do Xuân Trung rút ra ý kiến từ ba nhà giáo có những gắn bó mật thiết với giáo dục Việt Nam, và bài 3 “Điều kiện cần và đủ cho hệ thống đại học Không Bộ chủ quản” xuất hiện một ngày sau do Phạm Hiệp viết.

Bài viết này nhằm đưa ra một số kinh nghiệm ở nước ngoài về giáo dục-đào tạo, nhấn mạnh vào mối quan hệ Nhà Nước-Giáo Dục, trong đó có việc hiểu thế nào là tự chủ đại học, kiểm định chất lượng GDĐH, với ước mong mọi người quan tâm hiểu rõ hơn dáng vóc cần có của ‘con voi’ GDĐT Việt Nam.

Chung quanh “Bỏ bộ chủ quản” và Tự chủ đại học

Lúc mới đọc tựa đề “Bỏ bộ chủ quản, đại học sẽ ra sao?” tôi thật sự giật mình. Tôi thấy trước hết phải làm rõ “bộ chủ quản” làm gì những công việc gì tai hại mà phải bỏ. Nếu “bộ chủ quản” mà làm những công việc như của Hội đồng trường và Ban giám hiệu của các trường đại học tự chủ trong các nước phát triển phương Tây giống hệt như trong nhiều năm trước đây thì “bộ chủ quản” ấy phải dứt khoát bị vứt bỏ, vùi sâu.

Tôi đồng ý với các tác giả về việc bỏ mô hình này, một việc đáng ra đã phải giải quyết được từ cách đây hơn hai thập kỉ. Nếu Việt Nam có chủ trương này thì việc “bỏ bộ chủ quản” theo mô hình Liên Xô cũ phải là do Quốc hội (đại diện nhân dân) ban hành chứ không phải nghị định ở cấp chính phủ.

Nhưng tôi cũng xin lưu ý nếu không thận trọng thì cái gọi là “bỏ bộ chủ quản” sẽ dẫn đến tình trạng “vô chính phủ”. Cần phải hiểu rõ vai trò Nhà nước trong giáo dục được thể hiện ra sao, và khái niệm tự chủ đại học là thế nào. Xin được nói rõ hơn như sau.

Nếu “bộ chủ quản” là cơ quan đại diện cho chính phủ để xây dựng các chính sách và chương trình vĩ mô, các tiêu chí về chất lượng các hoạt động chuyên ngành khác nhau, các dự án nhằm tăng cường nghiên cứu, đổi mới, phát triển kinh tế xã hội, phát triển văn hóa và hội nhập quốc tế… thì “bộ chủ quản” ấy không những không bỏ mà phải có ưu tiên cao trong việc xây dựng các bộ ấy thành những bộ chủ quản điển hình.

Tự trị đại học hiện nay là một mô hình quản lý tốt nhất. Hoạt động “tự trị đại học” tốt sẽ nâng cao tầm vóc cho “bộ chủ quản” và “bộ chủ quản” có tầm nhìn xuyên thời đại cũng sẽ chắp cánh cho “các trường đại học tự trị.”

Tại Mỹ, Anh, Canada và Úc, nơi tôi có một thời gian dài học tập, làm việc và định cư, giáo dục và đào tạo theo luật tại các nước này thuộc quyền quản lý của các tỉnh (Canada) hay tiểu bang (Mỹ, Úc).

Chính quyền trung ương chỉ cho nhiệm vụ thứ nhất là xây dựng các chính sách giáo dục-đào tạo và nghiên cứu-đổi mới và thứ hai là tài trợ các chương trình nổi trội nhằm phục vụ xã hội và đưa đất nước đứng vị trí tiên phong về mọi mặt.

Các khoản tài trợ chính bao gồm tài trợ chỉ tiêu (quota) sinh viên theo học tại các trường đại học, cung cấp các loại học bổng và các quỹ cho sinh viên vay lúc theo học tại các trường đại học.

Các vị Bộ trưởng Giáo dục nhà trường và giáo dục-đào tạo tại mỗi tiểu bang, theo luật của tiểu bang mình, chịu trách nhiệm quản lý và điều hành vĩ mô toàn ngành giáo dục trong tiểu bang của mình (từ mẫu giáo đến đại học).

Tại Việt Nam, theo tôi nghĩ, chủ trương “bỏ Bộ chủ quản” theo như nước ngoài là Bộ Giáo dục liên bang là không khả thi.

Đọc toàn bài tôi mới phát hiện ra “bỏ bộ chủ quản” chỉ là một cái “tít” giật gân. Nội dung chính của buổi làm việc giữa Bộ trường Phùng Xuân Nhạ với trường Đại học Sư phạm TP HCM là vấn đề tự chủ hay tự quản đại học (self management university).

Tôi đồng ý với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là “tự chủ ĐH không phải làm giảm gánh nặng ngân sách, càng không phải là cơ hội để các trường mở rộng quy mô đào tạo” với hai lý do sau đây:

(1) Giáo dục nhằm hun đúc nhân cách và các giá trị nhân bản của học sinh (từ lúc cắp sách đến trường cho đến hết giáo dục phổ cập) và

(2) Đào tạo và nghiên cứu đổi mới trang bị nghề nghiệp cho thanh niên để họ có công ăn việc làm nhằm phát triển kinh tế xã hội của đất nước (giáo dục sau giai đoạn phổ cập giáo dục cho đến hết bậc cao đẳng).

Do đó, thuế của người dân phải được dành một tỷ lệ xứng đáng cho ngành giáo dục-đào tạo dù các trường đại học có tự chủ hay không. Không ai được phép cắt bỏ ngân sách giáo dục, một trong những ngân sách quan trọng nhất của một quốc gia.

Ngày nay những nhà quản lý chuyên nghiệp trong các trường đại học công lập không ai nghĩ rằng tự quản là có thể muốn làm gì cũng được.

Một trường tự quản tốt là một trường lên kế hoạch mở quy mô đào tạo theo nhu cầu của xã hội và khả năng đào tạo của trường và phải có sự chấp thuận của Hội đồng trường. Ở nước ngoài, tại các nước có nền tự chủ đại học cao nhất, các vị Hiệu trưởng trường (President/Vice-Chancellor) cũng không có quyền tự do mở rộng quy mô đào tạo.

Quyền này nằm trong thẩm quyền của Hội đồng trường. Chất lượng và uy tín của trường là tiêu chí hàng đầu, là mục đích chính mà mọi thành viên trong cộng đồng đại học trân trọng và theo đuổi.

Hiểu thêm về Tự chủ đại học và mối quan hệ Nhà nước-Giáo dục

Liên quan đến “tự chủ đại học” và “bỏ bộ chủ quản”, TS Nguyễn Đức Nghĩa trong bài phát biểu của mình đã đưa ra ba vấn đề cốt lõi: (1) cơ quan nào bổ nhiệm ban giám hiệu nếu không có bộ chủ quản, (2) tổ chức nào giải quyết vấn đề tài chính và cơ sở vật chất cho các trường đào tạo, nghiên cứu trọng điểm, và (3) ai chịu trách nhiệm về các chiến lược phát triển GDĐT vĩ mô và tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng đại học.

Nếu theo kinh nghiệm của Úc và Mỹ, thì câu trả lời vắn tắt cho những vấn đề trên sẽ như sau: (1) Hội đồng trường có trách nhiệm tìm kiếm và bổ/giải nhiệm hiệu trưởng, và ban giám hiệu bổ/giải nhiệm, thăng phưởng các loại cán bộ, nhân viên khác, (2) Dự án xây dựng và phát triển các trường đào tạo nghiên cứu trọng điểm và tất cả những dự án nhằm hướng đến một nền kinh tế dựa trên tri thức (knowledge based economy) là nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và các bộ liên hệ ở cấp liên bang (chính phủ trung ương), và (3) Các chiến lược phát triển GDĐT và tiêu chuẩn chất lượng thuộc trách nhiệm của Bộ GDĐT liên bang.

Về ý kiến của bạn Phạm Hiệp cho rằng “chuyển dịch từ mô hình đại học bị quản lý chặt chẽ bởi Nhà nước … sang mô hình đại học tự chủ, không trực thuộc Bộ là chìa khóa thành công quan trọng”, tôi nghĩ đây là một phát biểu cần xem xét lại. Có trường đại học tự chủ nào trên thế giới mà không có vai trò của Nhà Nước thông qua bộ chủ quản? Bộ chủ quản chịu trách nhiệm về mặt vĩ mô, là tai, là mắt để thấy những vấn đề lớn trong nước và thế giới.

Còn trách nhiệm của các trường đại học tự chủ là nắm bắt tầm nhìn, các chuyển động lớn về mọi mặt, các chính sách lớn của đất nước, các tiêu chí về chất lượng, về bằng cấp, về khung trình độ quốc gia… để đưa ra các chính sách và chiến lược của trường và quản lý trường một cách có hiệu năng nhất.

Lấy kinh nghiệm ở nước ngoài, người ta đã quá quen thuộc với tự chủ đại học từ đầu thế kỷ trước. Không ai trong cộng đồng đại học còn tranh luận về “tự trị đại học” và bàn cách “bỏ bộ chủ quản” một cách vô trách nhiệm như ở Việt Nam.

Tự chủ ĐH là để các trường chịu trách nhiệm về các quyết định quan trọng liên quan đến quản lý trường (university governance) và bảo đảm chất lượng học tập (academic quality assurance). Tự chủ đại học nhằm giúp cho các trường phát huy sáng tạo và kích thích nghiên cứu-đổi mới công nghệ.

Tự chủ đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình và tính minh bạch đối với tất cả mọi hoạt động trong trường (không phải chỉ công khai minh bạch phần nào trường muốn) và đáp ứng các yêu cầu theo luật định từ các bộ giáo dục liên bang và tiểu bang như trách nhiệm cung cấp các dữ liệu thống kê, các hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo, giải trình các chương trình và dự án đã được tài trợ bởi các chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức trong nước hay quốc tế.

Chủ nhân của một trường đại học công lập là Hội đồng trường (University Council) hay Hội đồng Tín Thác (Board of Trustees) hay nếu là trường tư thục là Hội đồng Quản trị (Board of Directors). Hội đồng trường tuyển dụng và bổ nhiệm hiệu trưởng trường đại học (President ở Mỹ/Vice-Chancellor ở Úc, Anh). Sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng phải được vị đại diện Chính phủ tiểu bang (nếu ở Việt Nam là các tỉnh hay thành phố trực thuộc trung ương) chuẩn y.

Tuyển dụng Hiệu trưởng và các cấp lãnh đạo trong một trường đại học ở nước ngoài thông thường qua một công ty quảng cáo chuyên nghiệp, quảng cáo trong nước và cả quảng cáo quốc tế, quảng cáo trên báo hàng ngày và qua các bản tin chuyên môn quốc tế.

Sau khi tìm được các ứng viên, công ty tuyển dụng có trách nhiệm chọn lại còn hai hoặc ba vị. Các ứng viên này phải tham dự nhiều lần phỏng vấn trong trường.

Cuối cùng ứng viên nào có điểm cao nhất sẽ được chọn và Chủ tịch Hội đồng trường (Chancellor) ký quyết định bổ nhiệm và vị được chọn làm Hiệu trưởng (Vice-Chancellor and President) phải ký vào bản Hợp đồng có kèm theo một bản mô tả các công việc phải đảm nhiệm (Position Description) có cả các tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo và quản lý của vị hiệu trưởng.

Ban giám hiệu của một trường đại học có toàn quyền: (1) tuyển giáo viên và nhân viên các loại và ấn định lương của từng loại giáo viên, nhân viên; (2) bổ nhiệm các chức vụ trong trường; (3) cấp học hàm, học vị, phong giáo sư, phó giáo sư, thăng thưởng, bải nhiệm, chấm dứt hợp đồng; (4) liên hệ với các bộ giáo dục liên bang và tiểu bang trong việc nhận chỉ tiêu sinh viên được chính phủ tài trợ và nhận các nguồn tài trợ từ mọi cơ quan, (5) báo cáo lên các bộ và cơ quan liên hệ về thống kê sĩ số hàng năm kể cả số sinh viên tốt nghiệp và giải trình tất cả các dự án được tài trợ, (6) cấp phát tất cả các loại văn bằng tốt nghiệp (chứng chỉ, bằng tốt nghiệp đại học, thạc sỹ, tiến sỹ) cho sinh viên; (7) chủ động trong việc triển khai hợp tác quốc tế và ký kết các văn bản xây dựng đối tác với các cơ sở giáo dục-đào tạo và nghiên cứu-đổi mới ở nước ngoài…

Cũng như tự do, tự chủ đại học cũng có những nội dung các trường đại học không được phép tự ý làm. Những điều cấm kỵ đó là:

(1) cấp chỉ tiêu (quota) sinh viên nhập học với sự tài trợ của ngân sách chính phủ liên bang (liên quan đến ngân sách quốc gia dành cho sinh viên đại học),

(2) xây dựng mã số ngành nghề mới liên quan đến từng ngành học mới chưa có mã số nghề nghiệp (occupation list). Đây là lĩnh vực mang tính vĩ mô, thuộc các bộ trong chính phủ liên bang và Hiệp hội nghề nghiệp quốc gia, các tổ chức vùng, tổ chức thương mại thế giới WTO). Một chương trình học phải gắn với một mã số nghề nghiệp. Một sinh viên tốt nghiệp đại học ngành kế toán, nếu chưa có chứng chỉ hành nghề kế toán CPA thì chưa thể tham gia Hiệp hội Kế toán và không thể mở công ty kế toán độc lập được. Cũng như vậy đối với các ngành nghề khác.

(3) thành lập trường đào tạo ở nước ngoài (phải xin phép của chính quyền tiểu bang hoặc tỉnh). Chính phủ tiểu bang gồm các bộ Giáo dục, Tài chính rà soát rất kỹ và yêu cầu đưa ra nhiều văn bản như Kế hoạch kinh doanh (làm rõ các hoạt động, thời gian lời/lỗ), các bản cam kết quản lý rủi ro (risk management statements) trước khi đưa ra quyết định.

Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, tự chủ đại học ngày nay không “quá cam go” như Bộ GD-ĐT Việt Nam nghĩ. Chỉ cần có quyết tâm cao và đưa Dự án Xây dựng Tự chủ Đại học lên thành một trong những chính sách có ưu tiên cao nhất của Bộ. Từ đó lập kế hoạch và đưa ra lộ trình áp dụng.

Tôi nghĩ chỉ cần ba năm là tất cả các trường đại học Việt Nam cả công lập lẫn tư thục có tất cả sự tự tin cần thiết để tự làm chủ lấy trường đại học của mình.

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Đọc những ý kiến trong các bài viết trên tôi có cảm tưởng nhiều nhà quản lý giáo dục Việt Nam đã hiểu “Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học” khác (không phải họ đúng và Việt Nam sai) với các đồng nghiệp ở nước ngoài. Các sự khác biệt chính như sau:

  1. Trước hết, tổ chức kiểm định chất lượng được ra đời theo Luật (TEQSA Act) của chính phủ liên bang. Kiểm định chất lượng giáo dục đại học (ở Mỹ có nhiều tên gọi khách nhau, gọi chung là Accreditation in the United States, ở Úc gọi là Tertiary Education Quality Standards Agency, ở Anh gọi là Quality Assurance Agency) có nhiệm vụ đưa ra các tiêu chí tối thiểu để giúp các trường đại học dựa vào đó mà (1) soạn thảo các chương trình đào tạo trong trường, (2) tổ chức dạy và học bao gồm cả trắc nghiệm, thi cử trong từng môn học, (3) quản lý mọi hoạt động phi đào tạo của trường như nhân sự, kế toán, tài chính, mua sắm…, (4) mở chương trình đào tạo mới và tái kiểm định sau mỗi 5 năm, và (5) đưa ra những tấm gương điển hình để các trường học tập kinh nghiệm (Không phải lúc nào các trường lớn cũng là tấm gương điển hình, (6) cung cấp các thông tin và tiêu chí học tập cho sinh viên quốc tế, ví dụ ở Úc đó là luật về Đăng ký với chính phủ liên bang về trường học (institution) và ngành học (course) cho sinh viên quốc tế (CRICOS Act) và luật về Khung trình độ Quốc gia Úc (AQF Act).
  2. Mục đích của kiểm định chất lượng là giúp cho sinh viên và xã hội biết chất lượng của các chương trình giáo dục-đào tạo trong các trường và khung trình độ quốc gia (National Qualification Framework). Ví dụ tại Úc, bậc đại học có 3 bậc và trên đại học cũng có 3 bậc. Xin lưu ý là các tổ chức kiểm định chất lượng nước ngoài không có chức năng xếp hạng các trường đại học (university ranking). Xếp hạng các trường đại học thông thường là do các tổ chức tư nhân đảm nhiệm (không như một số ý kiến của một vài cá nhân ở Việt Nam đăng trên báo ngày 17/06/2016).
  3. Cơ quan kiểm định chất lượng là một tổ chức độc lập, nằm trong cụm giáo dục-đào tạo (Education and Training Portfolio) và báo cáo trực tiếp cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục liên bang, hoạt động theo luật chất lượng, được thành lập qua một quy trình tư vấn rộng rãi. Chủ tịch và các thành viên là những người có kiến thức và kinh nghiệm trong giáo dục, rất được xã hội trọng nễ. Tổ chức này không nằm trong bất cứ một trường đại học hay hiệp hội giáo dục nào (để tránh lợi ích nhóm).
  4. Hoạt động duy trì chất lượng là việc làm thường xuyên, liên tục của mọi thành viên trong một trường đại học (mỗi trường có một Ban Kiểm định chất lượng riêng). Theo luật, tổ chức kiểm định chất lượng đến làm việc tại mỗi trường 5 năm một lần. Thời gian chính xác sẽ do Tổ chức Kiểm định Chất lượng và nhà trường thỏa thuận trước.
  5. Cơ quan kiểm định chất lượng có triết lý là giúp cho các trường đại học hoàn thành tốt tất cả các hoạt động của trường từ quản lý đến đào tạo có chất lượng nhằm giúp các sinh viên tốt nghiệp có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để làm việc (theo Luật về Bảo đảm chất lượng). Phương pháp làm việc của tổ chức kiểm định tuyệt đối không phải là thanh tra, cấp trên cấp dưới, mà là những đồng nghiệp giúp nhau, vẫn theo Luật về Tổ chức Chất lượng Giáo dục, để điều chỉnh các hoạt động quản lý, đào tạo trong mỗi trường có chất lượng hơn. Nếu ở một hoạt động nào đó trong trường không đúng, nhà trường và nhóm kiểm định thỏa thuận một khung thời gian hợp lý để điều chỉnh. Sau thời gian đó nếu những sai sót không được điều chỉnh, các biện pháp hành chính khác nhau sẽ được áp dụng tùy mức nặng nhẹ.
  6. Bộ giáo dục liên bang hay tiểu bang ở các nước phát triển không được phép dựa trên kết quả của kiểm định chất lượng để: (1) phân tầng các trường đại học thành đại học quốc gia, đại học vùng, đại học địa phương như ở Việt Nam (cấm tạo giai cấp trong trường đại học, không làm tăng tốc độ đô thị hóa), (2) phân bố ngân sách (các trường lớn càng mạnh hơn, tạo thêm bất công trong xã hội, tiêu diệt các trường đại học nhỏ thay vì phải có chính sách giúp các trường đại học nhỏ vươn lên), (3) ưu tiên cấp các dự án (nên có hai loại dự án: nhằm phát triển khoa học và công nghệ và phát triển kinh tế xã hội hay xóa đói giảm nghèo), (4) quyết định việc đầu tư ngân sách cho các trường, như ý kiến gây sốc của Phạm Hiệp coi nhẹ các chính sách công bằng xã hội của nhà nước và nhiều chính sách ưu tiên cho các vùng sâu, vùng xa (không được sử dụng kết quả của kiểm định chất lượng như quyển sổ Hộ khẩu để kiểm soát các gia đình trong thời chiến tranh).

Lời sau cùng xin thưa là, các trường đại học ở nước ngoài dù công lập hay tư thục đều được đối xử bình đẳng như nhau. Các trường chỉ khác nhau về số lượng sinh viên, về chất lượng quản lý và đào tạo, về ngành nghề đào tạo, về loại trường (giảng dạy hay nghiên cứu, hay có cả hai). Bằng mọi chính sách tốt nhất phải tạo điều kiện thuận tiện cho tất cả các trường đại học tại Việt Nam dù công lập hay tư thục phát triển ổn định, bền vững. Để cho một số vùng sâu, vùng xa tiếp tục hoang dại là có tội. Đất nước khó có thể phát triển được nếu trình độ dân trí quá chênh lệch.

Nguyễn Xuân Thu (Australia, 14/06/2016)