Tại nhiều nước phát triển, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ gom chung thành một nhóm.
Tại tiểu bang Victoria của Úc chẳng hạn (giáo dục-đào tạo, theo luật, là trách nhiệm của mỗi tiểu bang hay vùng lãnh thổ), nhóm trên nằm trong các bộ như sau:
Bộ Gia đình và Trẻ em (Department of Families and Children) phụ trách giáo dục và phúc lợi xã hội từ lúc các em mới sinh ra cho đến hết bậc giáo dục phổ cập – compulsory education (trước đây tại miền Nam gọi là giáo dục cưỡng bách), tức là từ ngày đến nhà trẻ cho đến hết lớp 10 (Việt Nam cho đến hết lớp 9). Giáo dục trong giai đoạn này nhằm giúp các em học sinh phát triển những sở thích cá nhân, không có chuẩn đầu ra như tại Việt Nam.
Bộ Giáo dục nghề nghiệp (Department of Vocational Education Training) là nơi các em học sinh đã học xong lớp 10 và muốn chọn giáo dục nghề nghiệp để đi làm sớm (tốt nghiệp trung cấp thì có Chứng chỉ và tốt nghiệp cao đẳng thì được cấp Diploma). Sau này các em đến 21 tuổi và muốn đi học lại thì các em nộp hồ sơ xin học đại học (tiêu chuẩn của sinh viên trưởng thành, mature entrance students).
Bộ Giáo dục Đào tạo (Department of Education & Training) đảm trách giáo dục cho các học sinh sau khi học hết lớp 10, nghĩa là từ các lớp 11 và 12 của bậc phổ thông và bậc giáo dục đại học và bậc thạc sĩ dự lớp (Master by coursework).
Bộ Khoa học và Công nghệ đảm trách đào tạo giáo dục trên đại học gồm các chương trình thạc sĩ nghiên cứu và tiến sĩ (gọi chung là research training). Sinh viên vẫn học tại các trường đại học nhưng báo cáo, thống kê và ngân sách thì thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ của Chính phủ Liên bang.
Nguyễn Xuân Thu